Có hai lý thuyết đương đại chính đề cập đến giá trị của vui chơi. Lý thuyết Tiền tập luyện (Pre-exercise theory) cho rằng đầu tiên trẻ chơi theo bản năng. Sau đó, trẻ vui chơi bằng cách bắt chước hành vi của người lớn. Do đó, vui chơi được xem là việc chuẩn bị cho tương lai của trẻ nhằm giúp trẻ phát triển kỹ năng và nhận thức tốt hơn.
Lý thuyết Tóm lược (Recapitulation Theory) lại xem xét hoạt động chơi có liên quan đến quá trình tiến hóa của cả giống loài. Quá trình chơi của trẻ phản ánh các giai đoạn phát triển của nhân loại, đi từ đơn giản đến phức tạp. Theo đó, con người thoát khỏi hành vi nguyên thủy để chuẩn bị cho các hành vi có nhận thức hơn. Như vậy, lý thuyết này nghiên cứu các giai đoạn chơi ở trẻ trong các độ tuổi khác nhau.
Trong suốt quá trình chơi với đồ chơi, trẻ em tìm hiểu về thế giới xung quanh và do đó, việc chơi đồ chơi và các đồ chơi có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển của trẻ. Trẻ em nào tiếp cận được với nhiều loại đồ chơi được chọn lựa kỹ thì càng có nhiều khả năng được thử thách hơn. Vì vậy trẻ sẽ được kích thích phát triển trí não hơn. Các báo cáo nghiên cứu cho thấy số trẻ em chơi đồ chơi nhiều hơn đều đạt đến cấp độ cao hơn của sự phát triển trí tuệ và kỹ năng, bất kể giới tính, chủng tộc hoặc tầng lớp xã hội.
Đồ chơi kích thích sự phát triển trí tuệ phải phù hợp với các khả năng của trẻ, đáp ứng sự vận động của trẻ và phản hồi lại khi trẻ cầm nắm. Dù chơi một mình hay chơi với người khác, chơi yên tĩnh hay náo nhiệt, chơi ở nhà hay trong trường, chơi đồ chơi là cách để trẻ khám phá thế giới xung quanh bằng trí tưởng tượng và óc sáng tạo của mình.
Các báo cáo nghiên cứu cho thấy rằng thông qua việc chơi đồ chơi, trẻ em tìm hiểu làm thế nào để lập kế hoạch và giải quyết vấn đề, phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp xã hội. Vui chơi thể chất giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển sự nhanh nhẹn, linh hoạt, sự cân bằng, phối hợp tay chân, mắt và các kỹ năng vận động.
Một báo cáo đánh giá từ hơn 40 cuộc điều tra nghiên cứu đã kết luận rằng vui chơi kích thích sự phát triển của trẻ ở giai đoạn đầu hơn 33% và có tác dụng làm tăng đáng kể khả năng sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng hợp tác, khả năng tư duy và chỉ số IQ.
Trẻ em được chơi đồ chơi sẽ hạnh phúc hơn, biết cách điều chỉnh bản thân tốt hơn, biết hòa nhập hơn với những đứa trẻ cùng lứa so với những đứa trẻ ít được chơi đồ chơi. Chúng sẵn sàng chơi lâu hơn khi có cùng lúc nhiều đồ chơi đa dạng. Do vậy, tốt nhất cha mẹ nên mua cho trẻ một bộ 4 đến 5 đồ chơi khác nhau thay vì mua một món đồ chơi mắc tiền.
Trẻ em có sự khác biệt rất lớn trong tốc độ tăng trưởng và phát triển. Vì thế món đồ chơi phù hợp với năng lực của trẻ và cũng phải bắt kịp với thay đổi nhu cầu và khả năng của mỗi trẻ. Tốt nhất là cha mẹ nên chọn cho trẻ các nhiều món đồ chơi có các tính năng, hoạt động, màu sắc, vật liệu và âm thanh khác nhau.
Để việc chơi đồ chơi mang lại nhiều lợi ích nhất, trẻ phải cảm thấy an tâm, tự tin và thoải mái với môi trường xung quanh. Ngoài ra, lợi ích của chơi đồ chơi cũng tăng hơn nếu có sự trợ giúp từ người lớn cùng chơi chung và nếu trẻ có nhiều đồ chơi đa dạng. Trẻ nên được khuyến khích tự lựa chọn đồ chơi cho chúng từ rất nhỏ theo sự gợi ý của cha mẹ. Không nên bắt buộc trẻ chơi với những đồ chơi hoặc trò chơi quá khó so với năng lực thể chất hoặc trí tuệ của trẻ.
Khi xem xét giá trị của việc chơi đồ chơi đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền của trẻ em nhấn mạnh vui chơi là một yếu tố quan trọng được xác định trong khuôn khổ “Every Child Matters”:
“Tất cả các trẻ em cần được vui chơi và có quyền được vui chơi. Tất cả trẻ em ở bất kì độ tuổi nào nên được vui chơi một cách tự do và thoải mái theo cách của chúng và nên chơi với những trẻ khác.
”
Tóm lại, vui chơi rất quan trọng đối với trẻ. Vui chơi không chỉ là một phần tuổi thơ của trẻ mà còn là cách để trẻ học hỏi và phát triển toàn diện. Người lớn cần hiểu và quan tâm đến nhu cầu chơi của trẻ, giúp trẻ có thể học và chơi trong một môi trường vui tươi bổ ích.
Theo picnictoy